Hồ sơ quân phiệt Thời đại quân phiệt

Rất ít quân phiệt có hệ tư tưởng. Diêm Tích Sơn, "Tỉnh trưởng kiểu mẫu" Sơn Tây, tuyên xưng một dạng đức tin hổ lốn, trộn lẫn các yếu tố dân chủ, chủ nghĩa quân quốc, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phổ quát, chủ nghĩa vô chính phủ, và chủ nghĩa gia trưởng Nho giáo vào làm một. Một người bạn đã mô tả Diêm Tích Sơn là "một người đàn ông da ngăm đen, râu ria mép, tầm thước, hiếm khi cười và luôn giữ thái độ hết sức dè dặt; Diêm không bao giờ để lộ tâm can." Diêm Tích Sơn giữ khổ đường sắt Sơn Tây khác với các địa phương còn lại để gây khó dễ cho việc xâm chiếm lãnh địa của ông, dù chiến thuật này cũng cản trở hoạt động xuất khẩu than và sắt, hai nguồn tài nguyên chính ở Sơn Tây. Phùng Ngọc Tường, "Tướng Cơ đốc", thúc đẩy Phong trào Giám lý cùng với một loại chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc thiên tả mơ hồ, giúp ông nhận được sự ủng hộ từ Liên Xô trong một khoảng thời gian. Phùng Ngọc Tường cấm rượu, sống giản dị và mặc loại quân phục bộ binh thông thường để thể hiện sự quan tâm dành cho cấp dưới.[19]

Ngô Bội Phu, "Tướng triết gia", từng là một viên quan đỗ đạt khoa cử, tự nhận mình là người bảo vệ các giá trị Nho giáo, thường xuất hiện trong các bức ảnh với chiếc bút lông trên tay (bút lông là biểu tượng của văn hóa Nho giáo). Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ chỉ ra rằng chất lượng thư pháp của Ngô Bội Phu có phần giảm sút sau khi thư ký của ông qua đời. Ngô Bội Phu thích có mặt trong những bức ảnh chụp tại văn phòng của ông, với chân dung người hùng George Washington ngay phía sau, để phản ánh thứ được cho là chủ nghĩa quân quốc dân chủ mà ông đang cố gắng đưa về Trung Quốc. Ngô Bội Phu nổi tiếng với khả năng hấp thụ một lượng lớn rượu nhưng vẫn có thể uống tiếp.[20] Khi Ngô Bội Phu gửi cho Phùng Ngọc Tường một chai rượu mạnh, Phùng Ngọc Tường đáp lễ bằng cách gửi lại một chai nước, một thông điệp mà Ngô Bội Phu không thể hiểu. Là người ủng hộ chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc mãnh liệt, Ngô Bội Phu từ chối đi vào vùng tô giới nước ngoài, lập trường khiến ông phải trả giá bằng chính mạng sống của mình khi từ chối đến Công giới Thượng Hải hay Pháp giới Thượng Hải để chữa bệnh.[20]

Trương Tông Xương, một trong những quân phiệt Trung Quốc khét tiếng nhất

Điển hình hơn là Nguyên soái Trương Tác Lâm, tốt nghiệp "Đại học Lục Lâm" (nghĩa là làm nghề ăn cướp), tuy mù chữ nhưng với tính cách mạnh mẽ, đầy tham vọng, đã vươn mình trỗi dậy từ thân phận thủ lĩnh của một băng cướp, được người Nhật thuê tấn công người Nga trong Chiến tranh Nga–Nhật (1904–1905) và trở thành quân phiệt Mãn Châu vào năm 1916. Ông làm việc công khai cho người Nhật khi họ cai trị Mãn Châu. Trương Tác Lâm chỉ quản lý 3% dân số Trung Quốc nhưng kiểm soát 90% ngành công nghiệp nặng nước này. Sự giàu có của Mãn Châu, sự hỗ trợ của người Nhật và lực lượng kỵ binh mạnh mẽ, nhanh nhẹn của Trương Tác Lâm biến ông trở thành quân phiệt hùng mạnh nhất.[19] Những người Nhật bảo trợ cho Trương Tác Lâm đòi hỏi ông phải đảm bảo môi trường kinh tế ổn định để tạo điều kiện thuận lợi cho nguồn đầu tư Nhật Bản, khiến Trương Tác Lâm trở thành một trong số ít quân phiệt theo đuổi tăng trưởng kinh tế thay vì chỉ cướp bóc.[20]

Trương Tông Xương mang biệt danh "Tướng thịt chó" vì ham đánh bài cửu (người vùng đông bắc gọi bài cửu là "thịt chó"), được miêu tả là có "vóc dáng của một con voi, não của một con lợn và tính khí của một con hổ". Nhà văn Lâm Ngữ Đường gọi Trương Tông Xương là "nhà cai trị nhiều màu sắc, nhiều giai thoại, cổ lỗ, vô liêm sỉ nhất Trung Quốc hiện đại". Cựu hoàng Phổ Nghi nhớ về Trương Tông Xương như "một con quái vật bị cả thế giới căm ghét", có khuôn mặt xấu xí, húp híp, "tái mét vì nghiện thuốc phiện nặng". Là một người tàn bạo, Trương Tông Xương khét tiếng với sở thích dùng kiếm đập mạnh vào đầu các tù nhân, mà ông gọi là "đập dưa". Trương Tông Xương thích khoe khoang kích cỡ dương vật của mình, điều đã trở thành một phần huyền thoại về ông. Nhiều người tin rằng Trương Tông Xương là người đàn ông "trời phú" nhất Trung Quốc, có biệt danh "Tướng tám mươi sáu" vì dương vật khi cương cứng của ông được cho là dài bằng một cọc 86 đồng bạc đô la Mexico. Dàn hậu cung của Trương Tông Xương đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, hai trong số đó là người Pháp. Vì không thể nhớ tên, Trương Tông Xương đánh số cho những người phụ nữ của mình và sau đó cũng thường quên luôn số.[20]

Những thông tin đáng chú ý khác về vài quân phiệt lớn kể trên:

  1. Trương Tác Lâm, "Quân phiệt Mãn Châu", là đồng minh của Nhật Bản chống lại Nga trong Chiến tranh Nga–Nhật. Ông cũng là tổng đốc Thẩm Dương từ năm 1911.
  2. Ngô Bội Phu ban đầu được đào tạo như một Nho sĩ, nhưng sau đó nhận huấn luyện quân sự Nhật Bản tại Học viện quân sự Bảo Định. Nhiều nhà quan sát Trung Quốc và Anh cho rằng ông sở hữu một lực lượng ổn định ở Hoa Trung.
  3. Phùng Ngọc Tường từ nhỏ đã là một quân nhân, và giống như Ngô Bội Phu, ông cũng tốt nghiệp Học viện quân sự Bảo Định. Phùng Ngọc Tường được rửa tội bởi một nhà lãnh đạo Y.M.C.A vào năm 1913. Ông có biệt danh "Tướng Cơ đốc" vì khuyến khích quân đội theo Cơ đốc giáo. Phùng Ngọc Tường chiếm Bắc Kinh vào năm 1924, chứng minh một thành phố lớn ở Trung Quốc có thể bị lật đổ dễ dàng như thế nào.[21]
Những tên cướp ở tây bắc Trung Quốc vào khoảng năm 1915.

Sự linh hoạt tuyệt vời về mặt tư tưởng của các quân phiệt và chính trị gia trong Thời đại quân phiệt, có thể được minh chứng rõ ràng qua các hoạt động của Bạch Lãng, một thủ lĩnh băng cướp. Mặc dù ban đầu chiến đấu ủng hộ nhà Thanh cùng những người theo chủ nghĩa quân chủ cực đoan và các quân phiệt, Bạch Lãng sau đó đã liên minh với phe cộng hòa,[22] tuyên bố trung thành với Tôn Dật Tiên rồi thành lập một "Đội quân trừng phạt của công dân" hòng cứu Trung Quốc khỏi bàn tay của tất cả quân phiệt.[23]